Trên đảo Hòn Tranh còn có một ngôi miếu Trấn Bắc được tạo dựng vào đầu thế kỷ XIX. Trên bàn thờ Thần ở Chính điện ngôi miếu đặt hai bài vị của Bùi Quận công và Nữ thần Thiên Y A Na. Nội dung bài vị của Bùi Quận công như sau: Cung thỉnh Trấn Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Bùi Quận công Thượng đẳng thần. Tạm dịch: Kính mời thần Thượng đẳng Bùi Quận công là Trấn Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo an vị.
Căn cứ vào bài vị có thể xác định “ông Trấn Bắc” vốn họ Bùi, giữ chức Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Quận công. Theo Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, tước vị Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Quận công từng được ban cho Bùi Tá Hán. Và tên gọi “ông Trấn Bắc” là do nhân dân yêu mến đặt cho ông – người vốn rạng danh với công bình trị và khai phá vùng đất Quảng Nam vào thế kỷ 17.
Miếu ông Trấn Bắc nằm trên mặt Bắc của đảo Hòn Tranh và hướng chính nhìn về phía Tây Nam. Tổng thể kiến trúc đền thờ gồm có các hạng mục: Cổng chính, Chính điện, nhà Khói và lăng thờ thần Nam Hải (cá Voi). Nhìn chung các hạng mục kiến trúc ở đây được xây dựng kiên cố và rêu phong cổ kính, diện tích vừa đủ phù hợp với công năng thờ cúng bên trong. Trung tâm nội thất Chính điện đặt 3 khám thờ, khám giữa thờ Trấn Bắc và Thiên Ya Na, hai khám hai bên tả hữu thờ Tiền hiền và Hậu hiền.
Bên phải Chính điện miếu Trấn Bắc, nằm lùi về phía sau xây một lăng thờ thần Nam Hải (cá Voi) có diện tích bề ngang 4,5m x bề dọc 3,55m và bên trong lưu giữ 72 bộ xương cá Voi trôi dạt vào đảo Hòn Tranh từ trước đến nay. Theo tương truyền của người dân trên đảo, năm đó không biết vì lý do gì mà cùng một lúc có 72 con cá voi chết và trôi dạt lên đảo Hòn Tranh. Người dân địa phương đã làm lễ an táng, sau đó xây lăng tẩm và thỉnh ngọc cốt của 72 vị nói trên đưa vào thờ phụng.
Phía sau Chính điện thờ Trấn Bắc là nhà Khói được kiến tạo đơn giản dùng làm nơi nấu nướng lễ vật dâng cúng vào các kỳ tế lễ diễn ra tại đền thờ.
Các vua triều Nguyễn đã phong tặng cho Bắc Quân Đô Đốc 3 sắc phong với tước vị “Khuông quốc Tĩnh biên Mậu công Huy liệt Trác vĩ Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Thái bảo Trấn phủ quân Thượng đẳng thần” và chỉ dụ cho ba làng Hội An, Triều Dương, Mỹ Khê thờ phụng. Trong đó có một sắc phong của niên hiệu vua Đồng Khánh năm thứ 2 phong cho Bắc Quân Đô Đốc và Nam Hải Cự Tộc Ngọc lân tôn thần. Tất cả các sắc phong đều được lưu giữ tại vạn An Thạnh, đến ngày cúng tế tại đền thờ Trấn Bắc mới tổ chức đoàn rước sắc phong từ vạn An Thạnh sang đền Trấn Bắc tế lễ và sau đó tổ chức rước trở về lại vạn để thờ phụng.
Tại đền thờ Trấn Bắc hàng năm thực hiện hai kỳ tế lễ chính vào ngày 12 tháng ba cúng Bà Thiên Ya Na (Bà Chúa Ngọc) và ngày mùng 7 tháng tám Âm lịch cúng Ông Trấn Bắc. Hàng năm vào các dịp lễ tế xuân, thu và giỗ vị Cố vào 15 tháng 10 Âm lịch được tổ chức tại vạn An Thạnh, nhân dân thường khấn vọng sang ngôi miếu bên Hòn Tranh mời ông về tham dự. Miếu thờ Ông ở Hòn Tranh tương truyền rất linh hiển, bất cứ người nào có hành động bất kính cũng đều bị trừng trị và chỉ được tha thứ khi biết hối lỗi. Vì vậy nhân dân quanh vùng vẫn thường lui tới thắp nhang, cầu xin mưa thuận gió hòa, đi biển bình an và được mùa cá bội thu.
Về ba đạo sắc phong cho Bùi Tá Hán ở đảo Phú Quý
Các đạo sắc phong cho Bùi Tá Hán được lưu trữ ở đảo Phú Quý có chiều dài khoảng 120 cm, cao 50 cm bằng chất liệu giấy long đằng. Sắc được trang trí lộng lẫy, ở trung tâm có hình rồng uốn lượn cùng mây trời màu trắng bạc/xám, chung quanh có viền,… Để tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, tất cả các sắc phong cho Bùi Tá Hán được cất giữ tại vạn An Thạnh (xã Tam Thanh, huyện Phú Quý). Khi có dịp cúng tế, ban tổ chức mới tổ chức đoàn rước sắc từ vạn ra miếu Trấn Bắc, sau khi buổi lễ hoàn mãn lại rước sắc về.
Sắc thứ nhất, cấp ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1853):
Phiên âm: Sắc Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự, tặng Thái Bảo Trấn Phủ Quân Tôn Thần, nguyên tặng Khuông Quốc Tịnh Biên Thụ Đức Mậu Công Liệt Huy Thượng Đẳng Thần. Hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Khuông Quốc Tịnh Biên Thụ Đức Mậu Công Huy Liệt Trác Vĩ Thượng Đẳng Thần. Nhưng chuẩn Tuy Phong huyện, Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương tam thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.
Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật.
Sắc mệnh chi bảo.
Tạm dịch nghĩa: Sắc cho Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự, tặng Thái Bảo Trấn Phủ Quân Tôn Thần, nguyên tặng Khuông Quốc Tịnh Biên Thụ Đức Mậu Công Liệt Huy Thượng Đẳng Thần. (Thần) đã giữ nước giúp dân, tỏ rõ linh ứng. Nay (trẫm) nối mệnh lớn, nghĩ tới công lao tốt đẹp của thần đáng gia tặng: Khuông Quốc Tịnh Biên Thụ Đức Mậu Công Huy Liệt Trác Vĩ Thượng Đẳng Thần. Cho phép dân ba làng Triều Dương, Hội An, Mỹ Khê, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) phụng thờ như xưa. Thần hãy bảo hộ dân ta. Hãy nhận.
Ngày 29 tháng 11, năm Tự Đức thứ 5 (5.1.1853)
Đóng dấu: Sắc mệnh chi bảo.
Sắc thứ hai, được cấp ngày mùng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), phong tặng cho Bùi Tá Hán và Thần Nam hải:
Phiên âm: Sắc Khuông Quốc Tịnh Biên Thụ Đức Mậu Công Liệt Huy Trác Vĩ Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự, tặng Thái Bảo Trấn Phủ Quân Thượng Đẳng Thần. Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần. Hướng lai hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Dực Bảo Trung Hưng Các Đẳng Thần. Nhưng chuẩn hứa Bình Thuận tỉnh, Tuy phong huyện, Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương tam thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.
Đồng Khánh nhị niên, thất nguyệt, sơ nhất nhật.
Sắc mệnh chi bảo.
Tạm dịch nghĩa: Sắc Khuông Quốc Tịnh Biên Thụ Đức Mậu Công Liệt Huy Trác Vĩ Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự, tặng Thái Bảo Trấn Phủ Quân Thượng Đẳng Thần. Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần. Từ trước đến nay đã giữ nước giúp dân, tỏ rõ linh ứng, từng được ban cấp sắc phong để thờ tự. Nay (trẫm) được nối mệnh lớn, nhớ đến công lao của thần đáng gia tặng: Dực Bảo Trung Hưng Các Đẳng Thần. Cho phép dân ba làng Triều Dương, Hội An, Mỹ Khê, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận phụng thờ như xưa. Thần hãy bảo hộ dân ta. Hãy nhận.
Ngày mùng 1 tháng 7, năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)
Đóng dấu: Sắc mệnh chi bảo.
Sắc thứ ba, được cấp ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924):
Phiên âm: Sắc Bình Thuận tỉnh, Tuy Phong huyện, Mỹ Khê, Triều Dương, Hội An tam thôn, tòng tiền đồng phụng sự, nguyên tặng Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Bắc Trấn Tôn Thần. Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mong ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật trứ gia tặng Trác Vĩ Thượng Đẳng Thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai.
Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật
Sắc mệnh chi bảo.
Tạm dịch nghĩa: Sắc cho ba thôn Mỹ Khê, Triều Dương, Hội An, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, trước đã phụng thờ thần, vốn được ban tước Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Bắc Trấn Tôn Thần. Có công giữ nước, giúp dân, tỏ rõ linh ứng, từng được ban cấp sắc phong để thờ tự. Nay nhân lễ mừng thọ tuổi bốn mươi của Trẫm, đã vâng bửu chiếu ra ơn, long trọng ghi vào cấp bậc, tặng thêm: Trác Vĩ Thượng Đẳng Thần. Đặc chuẩn cho nhân dân phụng thờ, chép vào tự điển để ghi nhớ quốc khánh. Hãy nhận.
Ngày 25 tháng 7, năm Khải Định thứ 9 (1924)
Đóng dấu: Sắc mệnh chi bảo.
Tạm kết luận
Tín ngưỡng thờ Trấn Bắc ở đảo Phú Quý là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam; tín ngưỡng này bắt nguồn từ sự thần hóa một nhân vật lịch sử có thật với nhiều công trạng lớn lao đối với quốc gia dân tộc. Bắt đầu từ miền Trung, tín ngưỡng này được mang đến đảo Phú Quý. Qua tín ngưỡng này người dân trên đảo gửi gắm khát vọng và ước muốn của người dân nơi cõi tục đầy nhọc nhằn, bất trắc về một cuộc sống bình yên no đủ trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương.
Bên cạnh các bài văn tế, các hoành phi liễn đối, giá trị nhất phải kể tới 3 đạo sắc do các vua triều Nguyễn phong tặng; trong đó có 2 đạo sắc phong riêng cho Bùi Tá Hán là sắc Tự Đức năm thứ 5 và sắc Khải Định năm thứ 9, sắc Đồng Khánh năm thứ 2 cấp cho Bùi Tá Hán và Thần Nam hải. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi khí hậu vùng biển đảo nên các sắc phong đều bị ẩm mốc (có 2 sắc bị mục nát, mất chữ là sắc Tự Đức và Đồng Khánh).
Thiết nghĩ, để làm tốt công tác bảo quản cũng như phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa ngày càng lớn của nhân dân và các nhà nghiên cứu thì công tác số hóa giữ vai trò quyết định. Để làm được việc này, ngành văn hóa địa phương phải là đầu mối. Theo đó, cần có một cuộc khảo sát tổng thể vốn tài liệu Hán Nôm nói chung và các đạo sắc phong hiện được lưu giữ trên đảo; đánh giá tình trạng và tiến hành số hóa bằng thiết bị hiện đại tất cả các tài liệu hiện có. Sau đó, mời các chuyên gia về Hán Nôm phiên âm, dịch nghĩa và lập danh mục, phân loại tài liệu. Đây là công việc khó, cần nhiều công sức và tiền của nhưng cũng phải làm. Nếu không, sẽ không tránh khỏi cảm giác có lỗi với tiền nhân.
ĐỖ THÀNH DANH